Miễn phí trả hàng mua online tác động tiêu cực tới môi trường thế nào
-
Người viết: Hiển Vi
/
Tại Mỹ, chỉ riêng mặt hàng thời trang hoàn trả sau mua online đã phát sinh lượng khí thải tương đương với 3 triệu ôtô, theo CleanHub.
Mới đây, chuyên trang về công nghệ thời trang và bán lẻ The Interline phân tích tình trạng phí môi trường tăng vọt từ động thái hoàn hàng qua thương mại điện tử.
Khách trả lại hàng đã mua trên Amazon tại một cửa hàng ở Clifton, New Jersey, Mỹ, năm 2021. Ảnh: AP
Theo đó, khách hàng kỳ vọng việc trả hàng thuận tiện (thường là miễn phí) như một phần thiết yếu của trải nghiệm mua hàng online. Ví dụ, Amazon cho phép khách được hoàn tiền lập tức tại các điểm trả hàng, không cần lý do, và miễn phí.
Quyền lợi trả hàng miễn phí ảnh hưởng lớn đến quyết định mua hàng. Với chính sách dễ dãi, người mua thường đặt nhiều kích cỡ hoặc kiểu dáng khác nhau. Họ lên kế hoạch trả lại những món không vừa hoặc không hợp mà không cần đắn đo. Thực tế, nếu việc trả hàng thiếu linh hoạt, người dùng sẽ bỏ sang cửa hàng/nền tảng khác.
Hiệp hội Bán lẻ Quốc gia Mỹ cho biết tổng mức hoàn hàng ở quốc gia này đạt đỉnh với hơn 800 tỷ USD vào năm 2022, trước khi giảm xuống còn hơn 740 tỷ USD năm 2023. Thiệt hại này chưa bao gồm phí vận chuyển, nhân công và các công đoạn logistics liên quan.
Nguồn dữ liệu: Hiệp hội Bán lẻ Quốc gia Mỹ (NRF)
Ở góc độ môi trường, việc hoàn hàng thường được giao cho các công ty chuyển phát, gây tăng lượng khí thải carbon trong vận chuyển.
Lượng khí thải từ trả hàng online đáng báo động khi cân nhắc ở góc độ phân loại hàng, nhất là hàng may mặc, vốn phải di chuyển hàng nghìn dặm trước khi đến tay khách hàng. Khi những mặt hàng đó gửi về trung tâm phân phối ban đầu, lượng khí thải carbon từ hành trình sản phẩm có thể tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba.
Báo cáo Kinh tế số của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) năm 2024 cho biết hàng trả lại qua thương mại điện tử tại Mỹ làm tăng thêm 14% chất thải chôn lấp so với kênh truyền thống, ước tính thải ra 24 triệu tấn CO2 (số liệu từ Optoro các năm 2020, 2022).
Động thái hoàn hàng liên quan đến vận chuyển quốc tế gây ra nhiều khí thải hơn. Như với Boozt, nền tảng thương mại điện tử về thời trang và phong cách sống Bắc Âu, hàng trả lại từ khách ở Thụy Điển được gửi đến một quốc gia thứ ba để đóng gói, rồi lại quay trở về kho chính ở Thụy Điển để bán lại.
Nhân viên Amazon chuyển hàng tại Poway, California ngày 16/11/2022. Ảnh: Reuters
Chất thải bao bì là một hậu quả môi trường khác cần tính đến. Khi một sản phẩm được trả lại, bao bì sản phẩm gồm hộp, màng bọc nhựa chống sốc, băng dính, nhãn... hầu hết đều là hàng dùng một lần. Trong nhiều trường hợp, khách hàng được yêu cầu đóng gói khi trả lại hàng. Những động thái này đều làm tăng lượng rác thải vốn tạo ra từ lô hàng ban đầu.
Một trong những tác động môi trường khó đánh giá nhất là hành trình cuối cùng của sản phẩm được trả lại. Người mua sắm tưởng rằng các mặt hàng trả lại sẽ được đưa lên kệ (tại các cửa hàng vật lý hoặc trên sàn thương mại điện tử) để bán lại. Đây cũng là kỳ vọng của các bên liên quan nhưng thực tế thì không như vậy.
Trong nhiều trường hợp, hàng trả lại không thể bán do hư hỏng trong quá trình vận chuyển, do đặc tính theo mùa hoặc tính hiệu quả kinh tế khi chi phí kiểm tra và đóng gói vượt quá giá trị bán lại. Những sản phẩm này thường bị loại bỏ, đưa đi thanh lý với giá rẻ mạt, nhiều sản phẩm cuối cùng đưa ra bãi rác.
CleanHub báo cáo chỉ riêng trong năm 2022, các công ty đã chuyển hơn 4,7 triệu tấn sản phẩm thẳng ra bãi chôn lấp. Động thái này giúp tiết kiệm nhân công đưa sản phẩm hoàn trả trở lại lưu thông, nhưng lại buộc môi trường trả giá. Cùng với sự gia tăng của ngành thời trang nhanh, chỉ riêng việc hoàn trả quần áo đã phát thải tương đương với 3 triệu ôtô ở Mỹ.
Vẫn có giải pháp cân đối giữa phát triển bền vững và tăng trưởng trong thương mại điện tử. Bà Sylvia Ng - CEO Mạng lưới trả hàng ReturnBear của Canada - cho rằng việc tối ưu các tuyến vận chuyển trả hàng, giữ các sản phẩm hoàn hàng để bán lại ngay tại thị trường khách mua, hợp nhất các lô hàng và xác thực việc trả lại ngay từ đầu hành trình hoàn hàng sẽ cải thiện sự tiện lợi của khách hàng đồng thời giảm chi phí và lượng khí thải của các nhà bán lẻ.
Ở góc độ vĩ mô, báo cáo của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển cho rằng cần giảm thiểu tỷ lệ trả hàng để thương mại điện tử phát triển bền vững. Trong đó, cấm tình trạng trả hàng miễn phí có thể giúp ngăn chặn việc trả hàng không cần thiết và giảm chi phí liên quan đến môi trường. Cơ quan về thương mại của Liên Hợp Quốc cũng khuyến nghị các chính phủ cân nhắc việc cấm việc tiêu hủy các sản phẩm hoàn trả, không bán được và sản xuất quá mức, thúc đẩy việc tái sử dụng, sửa chữa và làm mới sản phẩm.
"Cần có chính sách buộc các nền tảng mua sắm online cung cấp báo cáo bền vững, gồm chi tiết số lượng, loại hàng, địa điểm và khối lượng sản phẩm đang bị tiêu hủy, đảm bảo tính minh bạch và nâng cao trách nhiệm giải trình của ngành", báo cáo khuyến nghị.
Các nền tảng thương mại điện tử và công ty bán hàng có thể cân nhắc áp phí danh nghĩa hoặc giới hạn số lần trả hàng trong một khoảng thời gian nhất định. Họ cũng có thể cung cấp thông tin toàn diện về sản phẩm (nhiều khách hoàn hàng do không tiếp cận đầy đủ thông tin), hoặc đầu tư vào công nghệ để khách hàng trải nghiệm sản phẩm bằng thực tế ảo, giảm tỷ lệ trả hàng từ giai đoạn chọn mua sản phẩm.
"Có lẽ đã đến lúc chúng ta tạo ra và nâng cao vai trò của một vị trí gọi là ‘Giám đốc trả hàng’ trong thương mại điện tử", bà Sylvia đề xuất. Vai trò này sẽ tăng tập trung, sự hiện diện, kiểm soát xuyên suốt vòng đời trả hàng với các chuỗi logistics hoàn hàng phức tạp.
CEO ReturnBear cho rằng với sự giám sát tận tâm, hợp tác đa bên phù hợp, tập trung vào các công đoạn sản phẩm sau bán, chúng ta có thể tạo ra một tương lai mà tính tiện lợi của mua sắm trực tuyến song hành với cam kết bảo vệ hành tinh.